Trong khi cả nước gặp khó khăn vì đại dịch, những “bông hồng thép” của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đã có sự chuyển đổi linh động, thích ứng với tình hình mới, đương đầu và vượt qua thử thách.
Các doanh nhân nữ khi gánh trên vai trọng trách thì vừa có sự mạnh mẽ, quyết đoán của nhà lãnh đạo; vừa có sự uyển chuyển, linh hoạt của người phụ nữ. Do đó, họ đã kiên cường chèo lái doanh nghiệp vượt bão đại dịch.
Đó là nhận định của bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, tại lễ kỷ niệm 7 năm thành lập Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam (VAWE).
Nhân dịp này, chiều 27/10, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam tổ chức chương trình tọa đàm “Cảm xúc tháng 10: Đi qua mùa bão.” Chương trình được tổ chức kết hợp dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến với nhiều điểm cầu tại 28 tỉnh thành.
‘Vũ khí’ của doanh nhân nữ
Năm 2021 là một năm đầy biến động với tác động mạnh mẽ của đại dịch COVID-19 chưa từng có tiền lệ. Nhiều tỉnh thành tại Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến, hoạt động kinh tế, xã hội bị ngưng trệ, ảnh hưởng nặng nề. Chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Việt Nam đã ghi nhận gần 900.000 ca nhiễm với hơn 21.000 ca tử vong.
Trong bối cảnh đó, những “bông hồng thép” của VAWE đã có sự chuyển đổi linh động, thích ứng với tình hình mới, đương đầu và vượt qua khó khăn.
Những cảm xúc, tâm thế, góc nhìn của các doanh nhân, đặc biệt là các nữ doanh nhân VAWE khi đất nước vừa chuyển từ trạng thái “zero COVID” sang “thích ứng an toàn” với dịch bệnh, khi các doanh nhân, doanh nghiệp đứng trước vô vàn thách thức để phục hồi và tiếp tục phát triển… đã được chia sẻ, thảo luận trong chương trình tọa đàm. Trong đó, nội dung hấp dẫn nhất là “vũ khí” của doanh nhân nữ để có thể lãnh đạo doanh nghiệp vượt bão COVID-19.
“Điểm lại, trong cơn bão nào cũng vậy, dù trong cuộc sống gia đình hay trong nền kinh tế xã hội, chính các thế mạnh của người phụ nữ đã giúp chúng ta tránh được những rủi ro. Cảm xúc, sự căn cơ, sự uyển chuyển của nữ giới mang lại cho các nữ doanh nhân những hiệu quả to lớn trong kinh doanh. Đặc biệt là người phụ nữ mang tấm lòng người mẹ, giàu cảm thông, chia sẻ, giàu trắc ẩn,” Chủ tịch Thái Hương chia sẻ.
Bà kể lại kỷ niệm khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu năm 2017 tại Nhật Bản cùng với đại diện khoảng 60 quốc gia. Khi được hỏi về những khó khăn của doanh nhân nữ, bà đã thẳng thắn trả lời: “Tố chất của doanh nhân cả nam và nữ đều giống nhau ở sự mạnh mẽ, bản lĩnh, quyết đoán và sự thấu đáo. Nhưng ở người phụ nữ còn hơn một điểm đó là họ có sự bao dung, uyển chuyển, và có tấm lòng của người mẹ trong ứng xử với nhân viên, đồng nghiệp và có sự điềm tĩnh trước mọi việc xảy ra.”
Chia sẻ tại sự kiện, doanh nhân-Anh hùng lao động Thái Hương bày tỏ mong muốn các nữ lãnh đạo doanh nghiệp cần tiếp tục giữ sự lạc quan, tinh thần chia sẻ và lòng trắc ẩn trong quá trình làm việc, công tác của mình, xem đó là nguồn hạnh phúc để vượt qua thăng trầm của cuộc sống, thăng trầm của xã hội và luôn đồng lòng chia sẻ với Chính phủ, Đảng và Nhà nước như trong giai đoạn vừa qua.
“Hơn ai hết trong lúc này cần cấu trúc lại doanh nghiệp của mình, giữ lại những mảng thế mạnh, từng bước buông bỏ các mảng chưa mạnh. Chúng ta đang ở thời kỳ hậu đại dịch muôn vàn khó khăn nhưng với sức mạnh, sự bao dung, chia sẻ và trí tuệ bản lĩnh của người phụ nữ-doanh nhân, chúng ta sẽ vượt qua khó khăn, xây dựng căn cơ bài bản cho doanh nghiệp mình, cùng đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế và như vậy mức tăng trưởng GPD 3% của Chính phủ đặt ra là hoàn toàn khả thi,” bà Thái Hương tin tưởng.
Nói về “vũ khí” của doanh nhân nữ, bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Đà Nẵng cho hay nếu các doanh nhân nam có điểm mạnh là sức bật và sự quyết đoán thì các nữ doanh nhân có sự bền chí, cẩn trọng, tỉ mỉ và giàu cảm xúc.
“Mà sự thấu cảm là yếu tố vô cùng quan trọng để kết nối đội ngũ của mình, thấu hiểu những khó khăn của nhân viên và cộng sự, từ đó tìm ra những giải pháp củng cố nhân sự, làm cho nội lực doanh nghiệp của mình mạnh lên,” bà Nam Phương chia sẻ.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn SUNHOUSE, đồng tình với quan điểm của bà Nam Phương về điểm mạnh của doanh nhân nữ. Ông cho rằng các “nữ tướng” của doanh nghiệp Việt Nam có phẩm chất chỉn chu, tỉ mỉ và đã phát huy tốt thế mạnh của mình để chèo lái doanh nghiệp “vượt bão COVID-19.”
“Trong khủng hoảng luôn có cơ hội, thách thức với người này có thể là tiềm năng phát triển đối với người khác, vấn đề là chúng ta có biết nắm bắt đúng thời cơ hay không. Với doanh nghiệp của mình, chúng tôi tận dụng khoảng thời gian giãn cách xã hội để nhìn lại hệ thống, kiện toàn bộ máy, tìm ra những điểm yếu của mình mà trong khi vận hành dây chuyền có thể chúng tôi không có thời gian để làm việc đó, đồng thời chúng tôi cũng lên kế hoạch thật tốt, chuẩn bị cho giai đoạn hậu giãn cách và các kịch bản khác nhau để ứng phó với tình hình dịch bệnh,” ông chia sẻ kinh nghiệm của doanh nghiệp mình.
Doanh nhân nữ – những tấm lòng nhân ái
Các diễn giả tại tọa đàm nhận định rằng đại dịch đã và đang diễn ra là một cơn bão thực sự, song từ trong tâm bão, xã hội cũng đã ghi nhận những gương sáng, những tấm lòng và những sẻ chia và thể hiện lòng trắc ẩn của doanh nhân nữ.
Với cương vị người đứng đầu Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Thái Hương mong muốn các doanh nhân nữ phát huy tấm lòng nhân ái, đặc biệt là trong giai đoạn hậu đại dịch.
“Trong gia đình, chúng ta là ngọn lửa sưởi ấm cho chồng con vượt qua mọi khó khăn; ngoài xã hội thì là người dẫn dắt tập thể và góp phần đưa nền kinh tế đất nước đạt mức tăng trưởng mà Chính phủ đang đặt ra,” bà kêu gọi.
Bà Thái Hương ghi nhận rằng các doanh nhân nữ, đặc biệt là các thành viên trong Ban Chấp hành VAWE trong thời điểm dịch bệnh đã có những lời kêu gọi, sự sẻ chia đối với đồng bào, nhân dân, đối với các doanh nghiệp đặc biệt khó khăn bằng rất nhiều hoạt động hữu ích, đóng góp từ vật chất đến tinh thần. Đặc biệt phải kể đến sự sáng tạo với hình thức Siêu thị 0 đồng tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, hỗ trợ các lao động thất nghiệp, ủng hộ người dân khó khăn từ gạo đến sữa, nước uống, thực phẩm…
Thực tế, các doanh nhân nữ không chỉ đóng góp với tư cách thành viên VAWE mà còn đóng góp với tư cách cá nhân từng doanh nghiệp. Con số này lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Chẳng hạn như doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch VAWE, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng SeABank ủng hộ đến 50 tỷ đồng, còn tập đoàn TH và Ngân hàng Bắc Á của Chủ tịch Thái Hương thì tổng đóng góp lên đến hàng trăm tỷ bằng tiền mặt và hiện vật, thiết bị y tế…
Theo bà Thái Hương, đóng góp quan trọng nhất chính là sự tuân thủ của doanh nghiệp đối với các chủ trương, quyết sách của Chính phủ trong phòng chống dịch. Đóng góp thứ hai là đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên từng doanh nghiệp, hàng trăm nghìn lao động do các doanh nghiệp trong Hiệp hội quản lý.
“Tại Tập đoàn TH nơi tôi là Chủ tịch Hội đồng Chiến lược, tôi xây dựng chiến lược phát triển bền vững với 5 giá trị cốt lõi trong đó giá trị đầu tiên là Vì sức khỏe cộng đồng, giá trị thứ 5 là Hài hòa lợi ích. Lợi ích ở đây không phải chỉ cho nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng… mà còn là lợi ích cho muôn loài, hướng tới sự phát triển bền vững và chú trọng bảo vệ môi trường,” bà chia sẻ.
Nhờ những giá trị đó, Tập đoàn TH vẫn đứng vững, từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2011 cho đến nay, tăng trưởng năm sau luôn luôn cao hơn năm trước. Ngay cả trong đại dịch COVID-19 cũng tăng trưởng hai con số. Cùng với tốc độ tăng trưởng, TH luôn đảm bảo sản phẩm vì sức khỏe, tăng sức đề kháng đúng với nhu cầu của người dân trong dịch bệnh.
Doanh nhân Thái Hương khẳng định nếu các doanh nghiệp luôn đi theo định hướng phát triển bền vững, lấy sức mạnh nội lực của mình để làm nòng cốt thì họ sẽ dễ dàng vượt qua khủng hoảng./.
Minh Thu (Vietnam+)